TTO - Các cơ chế chính sách liên quan tài chính, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ khi đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời trên mái nhà.
Thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ" trong khuôn khổ Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020 diễn ra từ ngày 25-8 do Liên minh Năng lượng bền vững tổ chức.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW cho điện mặt trời mái nhà chỉ trong vòng 2 năm qua, tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối…
Theo các chuyên gia, việc khai thác để đạt được khoảng 5.000-6.000MW điện mặt trời mái nhà theo quy mô hộ gia đình là hoàn toàn có thể đạt được. Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự sẵn sàng, bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn, cần tháo gỡ chính sách, tài chính...
Ông Trần Viết Nguyên, phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tính đến ngày 23-8, toàn quốc có tổng 45.299 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MWp, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh, giảm phát thải khoảng 457.132 tấn khí CO2 (tương đương 77.257 TOE).
EVN đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào, đảm bảo cung - cầu năng lượng, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc tuyên truyền, quảng bá về phát triển điện mặt trời mái nhà còn hạn chế. Khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị.
Chi phí thiết bị và lắp đặt điện mặt trời mái nhà vẫn còn cao, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị. Hiện cũng chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt. Nhà đầu tư phát triển dự án chỉ tập trung tại một khu vực, dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất hệ thống bị hạn chế.
EVN kiến nghị Chính phủ khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc lắp đặt hệ thống, có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu. Các bộ ngành liên quan cũng sớm ban hành tiêu chuẩn, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn sau 31-12-2021.
"Sau cơ chế giá hỗ trợ (gọi là giá FIT2) theo Quyết định 13/BCT, sang năm 2021, chúng ta sẽ có cơ chế, chính sách mới. Vì vậy chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công thương sớm nghiên cứu để ban hành cơ chế chính sách để gối đầu tiếp việc phát triển điện mặt trời mái nhà ở tại Việt Nam. Với mục tiêu, kỳ vọng đến năm 2035 có thể đạt dược khoảng 30.000MW công suất điện mặt trời mái nhà, thì để đạt được mục tiêu này thì cơ chế, chính sách rất quan trọng" - ông Nguyên nói.
Còn theo ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ dự án của Dự án Năng lượng tái tạo và Tiết kiệm năng lượng tại GIZ Việt Nam, cần phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để đưa ra sản phẩm dịch vụ, công nghệ của Việt Nam với giá hấp dẫn hơn. Hiện nay chúng ta đang dùng cơ chế giá ưu đãi FIT để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng cũng nên có cơ chế giá FIT ưu đãi hơn cho sản phẩm sản xuất từ Việt Nam để tăng nội địa hóa.